Soi cá ở Côn Đảo

Soi cá ở Côn Đảo

Cứ mỗi khi "nước kiệt" (là cách gọi của dân địa phương đối với hiện tượng thủy triều xuống thấp nhất, thường diễn ra vào ngày đầu tháng âm lịch), người dân Côn Đảo lại í ới hẹn nhau đi soi cá...

"Tối nay anh đi soi cá với em", đó là lời rủ rê của người bạn dân bản địa khi ngồi uống cà phê sáng. Tôi không hiểu soi  cá là cái gì vì từ đó giờ chỉ nghe đến soi ếch, soi nhái...chứ chưa bao giờ nghe soi cá. Hỏi lại anh bạn thì nhận được câu trả lời "đậm chất biển": Đi đi rồi biết. Thấy là lạ, mặt khác, ông hàng xóm kế bên nhà cũng rục rịch chuẩn bị đi soi cá với chỉa, đèn soi...làm tôi càng háo hức hơn.

Theo lời dặn của "thổ địa", chiều hôm đó chúng tôi cơm nước sớm và bắt đầu khởi hành lúc 6 giờ chiều. Đến nơi đã thấy anh bạn chuẩn bị 1 cây chĩa với 2 cái đèn soi (loại đeo trên đầu giống dân làm mỏ). Nhóm lại có 3 người, vậy là tôi được phân công xách...cái xô đựng cá. Nghĩ thầm trong bụng "kiểu này chắc mình phải mò chứ soi cái nỗi gì?"

Chúng tôi lên xe máy đi về hướng cảng Bến Đầm. Con đường từ thị trấn Côn Đảo xuống Bến Đầm tói om om, thỉnh thoảng mới thấy một vệch đèn xe máy chạy ngược chiều hay luẩn khuất ở khúc quanh trước mặt. Cung đường này ban ngày đi đã thấy cảm giác "đã" với những khúc cua trên dốc mà bên kia là bờ vực, giờ đi buổi tối cảm giác càng "đã hơn" vì...không có đèn đường. Bù lại chúng tôi có thể ngắm bầu trời đầy sao và nghe mùi hương thoang thoảng từ những cây hoa mọc bên đường, trên núi mà ngay cả "ông địa" kia khi được hỏi cũng không biết hoa gì. Bó tay. Kiểu này phải tìm hiểu gấp kẻo khách hỏi mà không biết đường trả lời là quê lắm.

Mất gần 30 phút, chúng tôi xuống tới Bến Đầm. Dọc đường xuống mé biển xe gắn máy dựng đầy. Anh bạn giải thích đó là xe của những người đi soi. Thì ra họ đã đến đây từ sớm (đi từ khoảng 5 giờ chiều). Do chúng tôi là "lính mới" nên anh bạn cho thời gian ăn uống no bụng rồi mới đi.

Dừng xe ở khu vực đang thi công âu thuyền tránh bão, chúng tôi bắt đầu đi soi cá. Những chiếc đèn soi được bật lên để rọi đường xuống bãi. Một khung cảnh lần đầu tiên nhìn thấy hiện ra trước mắt tôi. Trong đêm tối, nhìn ra phía biển là chi chít những vệt sáng từ mấy chiếc đèn soi. Thỉ thoảng một người nào đó ngước lên, ánh sáng từ đèn soi kéo một vệch dài lóa mắt. Chúng tôi lần dò xuống bãi biển mà ban chiều nước vẫn còn xanh vắt nhưng giờ chỉ sâm sấp cổ chân. Tiếp  tục đi xa ra hàng trăm mét, nước mới sâu hơn nhưng cũng chỉ tới đầu gối. Đến giờ "thổ địa" mới chịu giải thích: hàng tháng, vào mấy ngày đầu tháng âm lịch là thời điểm mà "con nước" xuống thấp nhất, dọc bờ biển Côn Đảo, các rạn san hô vốn là nơi có nhiều cá trú ngụ sẽ trở thành một bãi cạn. Đó là thời điểm người dân Côn Đảo kéo nhau đi soi cá. Những chú cá vốn chọn mấy dãi san hô gần bờ làm nơi "đăng ký hộ khẩu" sẽ trở thành mục tiêu của một phương thức đánh bắt thô sơ nhất: chỉa. Người đi soi sẽ dùng đèn tìm kiếm những chú cá, tôm, mực...đang ngủ, phóng một chĩa chính xác vào chúng.  Vậy là có mồi nhậu. Giờ tôi mới hiểu soi cá là gì.

 

Tiếp tục di chuyển ra xa mới là nơi có nhiều cá theo lời anh bạn giải thích, chúng tôi bắt đầu quá trình săn cá. Tuy nhiên trên đường di chuyển, chúng tôi cũng kịp thu nhận các chiến lợi phẩm đầu tiên, đó là những con ốc tai tượng, ốc vú nàng hay ốc bàn tay; là những chú ghẹ không chạy kịp theo tốc độ rút của thủy triều giờ đành mắc cạn trong những vũng nước nhỏ trên bãi san hô. Khu vực săn cá mực nước ngang thắt lưng, ở đây có nhiều loại cá như mó xanh, bò hòm, bò da, mực nang, cá chình, cá đuối...(nói chung là tá lả cá) đang mơ màng ngủ. Có cả những con cá nóc mà thoạt nhìn tưởng như cục đá vì khả năng ngụy trang tài tình, chỉ khi đụng vào nó mới giật mình tỉnh giấc và phòng vệ bằng cách phình to thân người để con khác táp...không xong. Những tiếng phụp phụp khi cây chĩa trên tay các thợ soi phóng xuống nước vang lên đây đó, tiếng cá bị chĩa trúng quẫy đành đạch trên mặt nước. Cả một không gian xao động với tiếng rẽ nước, tiếng chĩa, tiếng gọi nhau khoe thành tích khi bắt được một chú cá hay mực to. Qua những tiếng gọi nhau í ới, tôi nhận ra trên bãi soi cá có đủ thành phần: đàn ông, phụ nữ và cả những cô gái tháp tùng mấy anh thanh niên đi soi cá cho vui. Trong màn đêm tối đen như mực, họ không nhìn thấy mặt nhau nhưng có thể nhận ra nhau qua giọng nói. Cũng đúng thôi, cái thị trấn này quá nhỏ để mọi người có thể biết nhau, thuộc lòng từng giọng nói và quan trọng hơn hết là dân đi soi cá đa phần là người địa phương. Giờ họ không mưu sinh bằng nghề này mà chỉ đến với nó như một thú vui, một dịp để kiểm tra lại kỹ năng mà họ đã có từ hồi còn nhỏ khi lững chững theo cha mẹ xuống những bãi cạn kiếm cái sinh nhai thời còn khốn khó cũng như kiếm chút mồi lai ra với bạn bè.

 

Kết thúc buổi soi đầu tiên, sau gần 2 giờ quần thảo với 3 người, 2 cái đèn soi, 1 cái xô đựng cá và 1 cây chĩa, chúng tôi trở lên bờ với chừng 5kg chiến lợi phẩm, trong đó có vài con cá rìa (loại cá chuyên sống trong các rạn san hô gần bờ, da dầy nhưng thịt rất ngọt khi nướng), vài con mực nang mà có con nặng gần cả ký cộng với một ít ốc ghẹ "nhặt" được trên đường ra bãi. Thấy tôi có vẻ hồ hởi với thành quả thu được, anh bạn thổ địa phì cười và nói nếu kết quả như hôm nay thì coi như mọi người đi "móc bọc" hết. Lý do đưa ra là hôm nay nước chưa xuống thấp nhất, khi chúng tôi soi nước còn chảy ào ào nên mặt nước cứ chao khiến khó nhìn thấy cá, mặt khác hôm nay bãi này đông quá. Thổ địa hứa hẹn ngày mai sẽ dẫn đi bãi khác ít người hơn, chắc chắn sẽ bội thu. Khi lên bờ gặp một người quen kể chĩa được con cá đuối mà bị nó kéo muốn té vì to quá càng khiến tôi háo hức hơn cho chuyến soi hôm sau.

 

Chúng tôi trở về lại thị trấn với xô cá, câu chuyện râm ran với những điều thú vị của chuyến soi và cả mấy cái gai nhum biển nằm trong chân nhức thấu trời. Thì ra dân đi soi ai cũng mang một đôi giày bằng nhựa để tránh đạp phải cầu gai (nhum) hay bị san hô cắt đứt chân. Tôi lần đầu đi không biết nên lội biển bằng "dép Lào" quai kẹp, vậy là "lãnh đạn". Báo hại tối hôm đó về phải trị gai nhum bằng phương pháp dân gian: ngâm nước tiểu.

 

Ngày hôm sau, cũng cơm nước thật sớm xong tôi chạy ra chợ Côn Đảo mua một đôi giày, cái đèn soi. Chị bán hàng tư vấn cho mua đôi giày re rẻ, cái đèn soi tương đối giá 100.000 đồng. Tôi nói cần mua cái chĩa vì hôm qua không có để "mần ăn". Chị trả lời cái đó không ai bán mà dân đảo toàn tự làm, chị cũng có một cái. Mừng húm, tôi ngỏ lời xin mượn thì nhận được câu trả lời: "Đâu được, chị bán chút nữa cũng đóng cửa đi soi nữa". Vậy mới biết cái vụ soi này nó thu hút mọi người cỡ nào.

 

Tối hôm nay, anh bạn thổ địa quyết định đổi địa điểm. Chúng tôi theo đường Cỏ Ống, vượt qua dốc Ông Tổng rồi Six Sense resort khoảng 1km thì dừng lại. Khu vực này là một bãi đá trải dài, vượt qua hết bãi đá mới đến rạn san hô mà giờ đã trơ ra khi nước rút hết, chỉ còn lại vài vũng nhỏ. Trong mấy cái vũng này ghẹ nhiều vô kể, chúng tôi thả sức bắt mà không cần đến chĩa. Anh bạn dẫn đường quyết định ra phía xa để chỉa cá.

 

Soi cá ở Côn Đảo

Soi cá ở Côn Đảo

 

Vẫn qui trình cũ, vẫn những chú cá bị "dính chấu", sau khoảng 30 phút thì chúng tôi có được chừng này:

Soi cá ở Côn Đảo

 

10 phút sau nữa thì cái xô đầy hơn với con cá chình "lớn chà bá":

Soi cá ở Côn Đảo

Sau hơn 1 giờ lội nước, thành quả chúng tôi thu được hơn hẳn ngày hôm trước, chiến lợi phẩm đặc biệt của ngày hôm nay là mấy  con cá mó xanh, 1 con cá chình to mà khi bị chĩa trúng, nó quay vào táp cái chĩa sắt cành cạch khiến anh bạn phải dùng chân đạp nó chết luôn dưới biển trước khi cho vào xô, 1 con mực nang lớn, vài con cá rìa, ốc tai tượng, 1 con hải sâm và 1 rổ ghẹ. Ngoài ra còn có 1 con cua mặt trăng nặng hơn nửa ký mà khi thưởng thức vào buổi tối sau khi luộc, tôi đã phải há hốc mồm vì độ ngọt và thịt chắc của nó.

Soi cá ở Côn Đảo

Quyết định về sớm để xử lý chiến lợi phẩm, chúng tôi đi ngang qua những khu vực tập trung dân đi soi với ánh đèn soi trên đầu thoắt ẩn, thoắt hiện cách bờ cả cây số.

Soi cá ở Côn Đảo vào ngày nước triều xuống đã là một hoạt động mang tính hội hè. Nếu bạn có dịp đến Côn Đảo, hãy tìm ngay một người bạn địa phương và nhờ họ chỉ cho bạn thấy sự trù phú của vùng biển này là thế nào nhé.

Hãy share để mọi người cùng biết nhé:

Soi cá ở Côn Đảo Soi cá ở Côn Đảo

Soi cá ở Côn Đảo

10/ 10 - 3301 phiếu bầu

Back      Print In      Đã xem : 2295

0947 917667 

Tư Vấn Ngoài Giờ: 0947 917 667 (Khách đoàn và khách ghép) | 0937 676 220 (Dịch vụ Teambuilding) | 0914 977 234 (Dịch vụ visa)

          

Thiết kế website www.webso.vn
Chia sẻ cho bạn bè :
Sản phẩm đã được thêm vào giỏ hàng
Mua thêm sản phẩm khác
Xem giỏ hàng